Giới thiệu

Rạp chiếu phim 12-9

Trải qua gần nửa thế kỷ (49 năm) tồn tại và phát triển của Rạp chiếu bóng 12- 9 Vinh, trong dòng chảy lịch sử 60 năm của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Những thế hệ CBNV Rạp 12- 9 luôn tự hào với truyền thống tồn tại và phát triển qua các thời kỳ, đã ghi nhiều dấu ấn, kỷ niệm trong lòng các thế hệ khán giả. Giờ đây khi rạp cũ đã không còn phù hợp với thời kỳ hội nhập. Công nghệ, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu cần phải thay đổi nhường chỗ cho rạp mới hiện đại, hoành tráng, gồm 3 phòng chiếu với tổng 382 ghế ngồi, thể loại phim đa dạng 2D, 3D, ... Chắc chắn trong thời gian tới, Rạp12-9 Vinh vẫn sẽ là địa chỉ hấp dẫn, tiêu biểu của khu vực Bắc miền Trung với phương thức hoạt động đa chức năng về văn hóa, nghệ thuật sẽ thu hút được đông đảo người xem đến với bộ môn nghệ thuật thứ 7.

Những chặng đường phát triển

Vào năm 1963, Thị xã Vinh được Thủ tướng Chính phủ quyết định lên thành phố đô thị loại Ba. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh Nghệ An nên các công trình phúc lợi công cộng được đầu tư triển khai, xây dựng, trong đó có công trình “Rạp chiếu bóng 12- 9” được xây dựng mới trên vị trí ga Vinh cũ, nằm trên đường Quang Trung . Là rạp chiếu bóng hiện đại thay thế cho Rạp quốc doanh Ngã Sáu, bằng tranh tre có từ thời kháng chiến chống Pháp. Qua 2 năm tiến hành xây dựng, Rạp được đưa vào khai trương hoạt động ngày 12/9/1964, kỷ niệm 34 năm Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (30- 31). Buổi khai mạc đã chiếu bộ phim nhạc, vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” do Hãng phim Bát Nhất (Trung Quốc) giúp ta sản xuất. Rạp được mang tên “Rạp12- 9 Vinh”, một biểu tượng văn hóa giữa trung tâm thành phố đỏ anh hùng và nhanh chóng trở thành một địa chỉ sinh hoạt văn hoá tinh thần hấp dẫn, bổ ích cho người dân. Ngay từ thời kỳ đầu, rạp trình chiếu những bộ phim thời sự, tài liệu, phim truyện của Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN anh em khác, đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Rạp trở thành điểm hẹn lý tưởng cho mọi người, nhất là giới trẻ.

Hoạt động của Rạp chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, từ sau sự kiện 5/8, thành phố Vinh trở thành trọng điểm bị đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Tiền sảnh Rạp 12- 9 bị bom đánh sập, cùng với dòng người sơ tán về nông thôn, Rạp 12- 9 phải thay đổi phương thức phục vụ, đã chuyển thành đội chiếu bóng lưu động, cõng máy, cõng phim về phục vụ ở các vùng nông thôn các huyện phụ cận Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nam Đàn và các xã ngoại thành. Không chiếu được ban đêm thì chếu ban ngày, lấn chiều vào đêm trong các hầm địa đạo, nhà kho Hợp tác xã, các vườn cây cổ thụ.., duy trì phục vụ nhân dân và các chiến sỹ quân đội, động viên họ sản xuất và chiến đấu tốt. Đã có nhiều sáng kiến hay như dùng vải xanh đen che luồng ánh sáng phát ra từ máy chiếu đến màn ảnh, dùng giấy tráng kim tuyến phản quang chiếu lên trời gây nhiễu máy bay địch... đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các buổi chiếu.

Sau gần 10 lưu động, sơ tán, đến năm 1974, Rạp lại trở về đứng chân trên nền đất cũ cùng sửa chữa, tu bổ xây dựng lại nhà rạp kịp thời phục vụ nhân dân tiến hành công cuộc khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Vào năm 1978, thành phố Vinh được Chính phủ CHDC Đức giúp đỡ, Vinh được quy hoạch, kiến thiết xây dựng lại đàng hoàng to đẹp hơn trên đống đổ nát, hoang tàn sau chiến tranh. Rạp 12- 9 cũng được đầu tư được xây dựng lại với quy mô hiện đại theo tiêu chuẩn của một rạp chiếu bóng quốc gia. Trang thiết bị được lắp đặt loại máy chiếu phim SÊNONL tiên tiến của Đức, phòng chiếu với 600 ghế ngồi, và sau này lại được nâng cấp hệ thống máy chiếu Critsty, âm thanh vòm lập thể của Mỹ theo chuẩn quốc tế. Qúa trình hoạt động, Rạp luôn phát huy tốt thế mạnh của mình trong phục vụ nhiệm vụ chính trị và kinh doanh có hiệu quả. Tổ chức nhiều hình thức hoạt động tổng hợp như các đợt phim, tuần phim, biểu diễn nghệ thuật ca múa, nhạc, kịch, liên hoan Tiếng hát làng Sen hàng năm... Đặc biệt vào tháng 12/2001, Công ty điện ảnh Nghệ An đăng cai tổ chức LHP Việt Nam lần thứ 13, Rạp đóng vai trò chính trong việc chiếu phim và giao lưu khán giả với nghệ sỹ điện ảnh đã để lại dấu ấn khó quên về thành công rực rỡ của LHP. Hoạt động của rạp luôn có nhiều khởi sắc, xứng đáng là lá cờ đầu của điện ảnh Nghệ An. Hẳn chúng ta còn nhớ vào thời kỳ hoàng kim, Rạp 12- 9 đã mở cửa chiếu 9, 10 buổi trong ngày, có phim chiếu hàng tháng trời vẫn chưa hết khách, như phim: Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Người không mang họ.., đạt doanh thu hàng năm trên 50% doanh số của toàn ngành.

Bước sang thời kỳ đổi mới, với kinh tế thị trường, các phương tiện thông tin nghe nhìn bùng nổ. Cùng với khó khăn chung của ngành điện ảnh cả nước thì ở Nghệ An, hầu hết các rạp chiếu bóng trên thành phố đều phải đóng cửa, chỉ duy nhất rạp 12-9 là vẫn đỏ đèn thường xuyên phục vụ nhu cầu người xem yêu thích phim nhựa màn ảnh rộng. Những năm gần đây, nhu cầu đến rạp xem phim màn ảnh rộng của khán giả đang quay trở lại, nhất là giới trẻ thì rạp 12-9 đã trình chiếu những bộ phim hay, hot, hấp dẫn của Viêt Nam và nước ngoài như: Long ruồi, Lời nguyền huyết ngãi, Mỹ nhân kế, Người Nhện, Điệp Viên 007... thu hút khán giả đến xem đông.